KHI NÀO CẦN CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ?

Ngày 30/08/2023

Chụp cộng hưởng từ hay chụp MRI là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được các bác sĩ chỉ định trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh lý. Hiện nay kỹ thuật này đã trở nên phổ biến và được nhiều người biết đến hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân khi được chỉ định chụp cộng hưởng từ cũng còn nhiều thắc mắc, điển hình như: Khi nào cần chụp cộng hưởng từ?

1. Chụp cộng hưởng từ (MRI) là gì?
Chụp cộng hưởng từ hay còn thường được gọi là chụp MRI (Magnetic Resonance Imaging). Đây là một trong những công nghệ chẩn đoán hình ảnh y khoa đang được chỉ định phổ biến trong quá trình khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Công nghệ chụp cộng hưởng từ là kỹ thuật dựa trên từ trường kết hợp với sóng radio khi đi qua vị trí cơ thể cần chẩn đoán sẽ cho ra hình ảnh giải phẫu của bộ phận bên trong cơ thể. Kết quả cho ra sau khi chụp cộng hưởng từ là tập hợp các lớp cắt theo 3D một cách rõ nét đến từng chi tiết của bộ phận bên trong. Điều này giúp các y bác sĩ chẩn đoán nhanh chóng và chính xác tình trạng bệnh lý cũng như đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất.

Có thể nói, so với các công nghệ chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp cắt lớp CT, siêu âm,… thì chụp MRI mang đến hiệu quả chẩn đoán chính xác nhất. Đặc biệt là đối với các bệnh nhân thuộc về bệnh lý mạch máu, xương khớp,… chẩn đoán bằng các phương pháp thông thường sẽ không đảm bảo về độ chính xác cũng như gây khó khăn trong quá trình khám bệnh của bác sĩ.

2. Khi nào cần chụp cộng hưởng từ?
Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cao cấp có chi phí tương đối cao tại các cơ sở khám chữa bệnh. Vì thế, không phải tất cả các trường hợp bệnh lý đều được chỉ định thực hiện chụp cộng hưởng từ. Vậy khi nào cần chụp cộng hưởng từ? Mời bạn tham khảo một số bệnh lý thường được yêu cầu chụp MRI.

2.1. Các bệnh lý liên quan đến mạch máu
Thông thường, các bệnh lý liên quan đến mạch máu như mạch máu não, mạch máu tim, mạch máu gan,… không thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh nếu chỉ dựa vào những triệu chứng bên ngoài. Chính vì thế trong các trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) để theo dõi tình trạng bên trong thông qua hình ảnh cắt lớp MRI. Một số các bệnh lý liên quan đến mạch máu sẽ được chỉ định chụp MRI:

Chỉ định chụp MRI đối với các bệnh lý về mạch máu

Tai biến mạch máu não.

Viêm màng não.

Chấn thương sọ não.

Tắc nghẽn mạch máu.

U não, u thần kinh.

Bệnh lý tuyến yên.

Tắc nghẽn mạch máu tại tim, phổi,…

2.2. Nghi ngờ có khối u bên trong các bộ phận
Kích thước các khối u thường rất bé và khó có thể kiểm tra bằng các kỹ thuật thông thường vì thế đối với các bệnh lý nghi ngờ có u tại các bộ phận bên trong cơ thể sẽ được chỉ định chụp MRI. Một số bệnh lý có thể phát hiện sớm nếu thực hiện chụp ảnh cộng hưởng từ:

Khối u tuyến yên, tuyến tụy, tuyến giáp để phát hiện sớm các bệnh ung thư.

U xương, lymphoma,…

Khối u nằm ở các vị trí như gan, mật, đường tiêu hoá (dạ dày, trực tràng,…).

Ư xơ, u nang tử cung, buồng trứng, u vú,…

Chụp MRI toàn thân là phương pháp tầm soát sớm bệnh ung thư

Có thể nói kỹ thuật chụp MRI không chỉ được chỉ định trên các bệnh nhân ung thư mà đây còn là phương pháp tầm soát sớm bệnh ung thư cho người khỏe mạnh. Hiện nay các gói khám sức khỏe tổng quát tại một số cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai bổ sung các phương pháp tầm soát ung thư toàn thân bằng cách chụp MRI. Hầu hết các bệnh nhân ung thư phát hiện sớm đều có cơ hội chữa trị và hồi phục bình thường.

2.3. Chẩn đoán các bệnh liên quan đến xương khớp
Hiện nay, các bệnh lý liên quan đến cơ xương khớp đang trở nên ngày càng phổ biến và phức tạp hơn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Đối với bệnh lý xương khớp nếu không được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh sẽ khiến bệnh chuyển biến nặng hơn. Chụp MRI sẽ giúp bác sĩ phát hiện được các tổn thương xương khớp từ sớm. Qua đó, hỗ trợ tốt việc làm giảm giai đoạn bệnh cũng như tăng hiệu quả điều trị.

Vì vậy, đối với các bệnh nhân cơ xương khớp thường sẽ được chỉ định chụp cộng hưởng từ để theo dõi chính xác hơn. Vậy khi nào cần chụp ảnh MRI xương khớp?

Các bệnh xương khớp sẽ được chẩn đoán chính xác dựa trên hình ảnh chụp MRI

Các trường hợp tràn dịch khớp gối, xương chậu, xương bánh chè,…

Gãy xương, nứt xương,…

Thoát vị đĩa đệm lưng, cổ; dấu hiệu thoái hoá đốt sống lưng, cổ.

Chấn thương dây chằng, rách dây chằng, đứt dây chằng hoặc rách sụn, vỡ sụn,…

Viêm khớp, viêm đa khớp, viêm tuỷ xương khớp,…

Các loại u xương, lao xương,…

VM