Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn thường gặp, gây co thắt khiến người bệnh đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón. Hội chứng ruột kích thích dễ tái phát và là tình trạng mạn tính, do vậy việc kiểm soát, cải thiện tình trạng bệnh là vô cùng quan trọng.
1. Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích
Hiện các nhà nghiên cứu chưa xác định được rõ nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích nhưng hội chứng này có thể do nhiều yếu tố gây ra. Người ta ghi nhận những bất thường của hệ thần kinh ở đường tiêu hóa cũng có thể là nguyên nhân làm người bệnh khó chịu hơn bình thường khi bụng bị trướng hơi …
Các yếu tố ghi nhận là hội chứng ruột kích thích thường gặp ở người trẻ tuổi, xu hướng này thường xảy ra ở những người dưới 45 tuổi. Phụ nữ thường dễ mắc hội chứng ruột kích thích hơn là nam giới.
Ngoài ra yếu tố tiền sử gia đình cũng là một nguyên nhân gây bệnh. Các nghiên cứu cho thấy những người có thành viên gia đình bị hội chứng ruột kích thích có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.
Yếu tố về trầm cảm cũng dễ xảy ra, người ta cho rằng nếu có vấn đề về sức khỏe tinh thần như: lo lắng, trầm cảm, rối loạn nhân cách và tiền sử bị lạm dụng tình dục ở thời kỳ trẻ em đều là các yếu tố nguy cơ gây hội chứng ruột kích thích.
Các yếu tố kích phát gây ra các triệu chứng ở những người bị hội chứng ruột kích thích có thể bao gồm:
– Do thực phẩm: Ghi nhận cho thấy nhiều người đã có triệu chứng nặng hơn sau khi ăn một số loại thực phẩm. Các loại thực phẩm có liên quan là sô-cô-la, gia vị, chất béo, trái cây, các loại đậu, cải bắp, bông cải trắng, bông cải xanh, sữa, thức uống có ga và rượu bia. Mặc dù các nhà khoa học cũng chưa khẳng định được chắc chắn có mối liên quan giữa tình trạng dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm với hội chứng ruột kích.
– Do stress: Đa số những người bị hội chứng ruột kích thích có thể thấy các dấu hiệu và triệu chứng của mình xấu đi hoặc thường xuyên hơn trong các giai đoạn có nhiều căng thẳng.
– Do nội tiết tố: Các nhà nghiên cứu cho rằng sự thay đổi nội tiết tố đóng một vai trò trong việc gây ra hội chứng hội chứng ruột kích thích. Các ghi nhận cho thấy phụ nữ có khả năng bị hội chứng ruột kích thích cao gấp hai lần nam giới. Và tình trạng xuất hiện triệu chứng có dấu hiệu nặng hơn trong hoặc xảy ra trước, sau kỳ kinh nguyệt.
Các bệnh lý khác cũng có thể là yếu tố gây kịch phát khiến người bệnh mắc hội chứng ruột kích thích có biểu hiện rõ nét hơn. Các yếu tố bệnh lý như: Tiêu chảy nhiễm trùng cấp tính hoặc tình trạng vi khuẩn phát triển quá mức trong đường ruột -loạn khuẩn có thể kích thích hội chứng ruột kích thích.
2. Biểu hiện hội chứng ruột kích thích và khi nào nhập viện?
Các biểu hiện của hội chứng ruột kích thích có thể khác nhau theo từng người và thường giống với các bệnh khác. Những biểu hiện thường gặp là: người bệnh đau hoặc đau quặn bụng, có cảm giác chướng bụng, đầy hơi. Xuất hiện tiêu chảy hoặc táo bón – đôi khi có các đợt táo bón và tiêu chảy xen kẽ nhau,…
Tuy nhiên, đa số các trường hợp thì hội chứng ruột kích thích là một tình trạng mạn tính, mặc dù các dấu hiệu và triệu chứng có lúc xấu đi và có lúc cải thiện hoặc thậm chí mất đi hoàn toàn.
Vậy câu hỏi đặt ra khi nào phải nhập viện để điều trị hội chứng ruột kích thích? Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó người bệnh cảm thấy có sự thay đổi liên tục về thói quen đi đại tiện hoặc nếu có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào của hội chứng ruột kích thích thì phải đến gặp bác sĩ để kiểm tra các bệnh lý có thể kèm theo.
Các biểu hiện có thể cho thấy hội chứng ruột kích thích trở nên nghiêm trọng bao gồm: Chảy máu trực tràng, đau bụng ngày càng nhiều và xảy ra vào ban đêm, sụt cân… cũng cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị ngay. Vì có thể đây là biểu hiện của một số bệnh lý nghiêm trọng nào đó trong có cả biểu hiện của ung thư đại tràng.
3. Cần làm gì khi mắc hội chứng ruột kích thích?
Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh mắc hội chứng ruột kích thích có thể kiểm soát thành công các biểu hiện của bệnh ở mức độ nhẹ. Cụ thể cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, cần học cách kiểm soát căng thẳng. Trong đó cần lưu ý những vấn đề sau để giảm đi các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
Những lưu ý khi mắc hội chứng ruột kích thích
– Cắt giảm thực phẩm gây đầy hơi: Người bệnh hội chứng ruột kích thích cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, cụ thể cần loại bỏ thực phẩm gây đầy hơi. Nhất là những người có biểu hiện khó chịu bởi tình trạng chướng bụng hoặc đánh hơi nhiều thì cần cắt giảm các loại thực phẩm như thức uống có ga, rau củ – đặc biệt là bắp cải và trái cây sống.
– Không dùng rượu bia, sô -cô- la, thức uống chứa caffein như cà phê và soda, các loại thuốc chứa caffein, các sản phẩm từ sữa và các chất tạo ngọt không chứa đường như sorbitol hoặc mannitol.
– Không dùng nhiều các loại thực phẩm chứa đường có thể lên men như: ngũ cốc, rau củ, trái cây và thực phẩm từ sữa. Có thể sử dụng ít một để làm quen nếu khi ăn các thực phẩm này khiến tình trạng của người bệnh trở nên khó chịu.
– Ăn đúng giờ, không bỏ bữa: Với người mắc hội chứng ruột kích thích thì việc ăn uống khoa học là cần thiết. Kể cả vào dịp lễ Tết, tiệc tùng cũng nên ăn uống đúng giờ, đừng bỏ bữa, và cố gắng ăn cùng khoảng thời gian mỗi ngày để giúp điều chỉnh chức năng ruột. Nếu có tiêu chảy, các bữa ăn nhỏ trong nhiều lần sẽ giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy đỡ hơn. Nếu có táo tón thì nên việc tiêu thụ một lượng lớn các thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp thức ăn di chuyển trong đường ruột.
– Nên uống đủ nước mỗi ngày: Nước là loại chất lỏng tốt nhất nên người bệnh cần uống đủ hàng ngày. Không nên uống các loại nước chứa đường như nước siro và các loại nước ngọt có ga.
Ngoài ra, cần thường xuyên tập thể dục điều này có thể giúp giảm trầm cảm và căng thẳng, kích thích đường ruột co thắt bình thường và cải thiện tình trạng của bệnh tốt hơn. Cần chăm chỉ vận động, hãy bắt đầu tập từ từ rồi tăng dần thời gian tập thể dục. Nếu có các vấn đề khác về sức khỏe, hãy kiểm tra với bác sĩ trước khi bắt đầu chương trình tập luyện.
Tóm lại: Hội chứng ruột kích thích là vấn đề thường gặp và hay tái phát vì vậy người bệnh cần thực hiện tuân thủ chỉ định của các bác sĩ và cần thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống và lối sống. Điều này cần kiên trì, thời gian dài thì mới có thể giúp giảm được các triệu chứng khó chịu của hội chứng ruột kích thích.
Nếu tình trạng tái phát và có các biểu hiện nặng hơn, hoặc kèm theo các biểu hiện trầm cảm, căng thẳng hay kèm theo các biểu hiện bất thường… cần tới cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và điều trị.
BS Nguyễn Ngọc-SKĐS