ĐAU VAI GÁY LÀ BỆNH GÌ ? NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

Ngày 12/01/2023

Đau vai gáy gây nên những cơn đau vô cùng khó chịu, ảnh hưởng đến công việc, đời sống sinh hoạt thường ngày. Người bệnh cần xác định rõ nguyên nhân, triệu chứng và áp dụng các biện pháp điều trị sớm bệnh lý này để cuộc sống không bị đảo lộn, ngăn ngừa biến chứng xấu tới sức khỏe.

Đau vai gáy là bệnh gì?
Đau vai gáy là hiện tượng vùng vai, cổ bị co cứng, đau nhức khiến người bệnh gặp khó khăn khi cử động. Bệnh lý này có liên quan mật thiết đến hệ cơ xương khớp và mạch máu tại cùng vai, cổ, gáy và có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào.

Dựa vào thời gian diễn ra bệnh, đau vai gáy được phân thành 2 cấp độ:

– Đau vai gáy cấp tính: Xảy ra khi người bệnh bị chấn thương cơ, dây chằng vùng vai cổ hoặc ngủ không đúng tư thế, khiến các cơ bị căng giãn quá nhanh.

– Đau vai gáy mãn tính: Khi tình trạng đau vai gáy diễn ra thường xuyên, không được khắc phục kịp thời, bệnh sẽ tiến triển sang mãn tính, đau lan sang gáy, cánh tay,…

Nguyên nhân đau vai gáy
Đau vai gáy có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến nhất là những lý do sau:

– Nguyên nhân bệnh lý: Mắc phải các bệnh lý xương khớp vùng cổ vai gáy như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, viêm khớp vai, vôi hóa cột sống, rối loạn chức năng thần kinh…

– Tập luyện sai phương pháp: Không khởi động trước khi vận động mạnh, tập thể thao sai kỹ thuật, tập quá sức…

– Ngồi, nằm sai tư thế: Ngồi cong lưng, ngồi ngủ gục trên bàn, nằm gối quá cao…

– Tính chất công việc: Làm những công việc nặng nhọc, thường xuyên phải bê vác nặng hoặc phải ngồi, đứng trong thời gian dài.

– Chế độ ăn uống không hợp lý: Không bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất cần thiết.

– Chấn thương: Gặp phải tai nạn dẫn đến chấn thương vùng vai, cổ.

– Nhiễm lạnh: Nhiễm gió lạnh khiến tà khí xâm nhập, khu trú quanh xương khớp gây tắc nghẽn khí huyết, khiến dây thần kinh xung quanh bị tổn thương.

Triệu chứng đau vai gáy và cách chẩn đoán
Khi bị đau vai gáy, người bệnh sẽ nhận thấy những dấu hiệu điển hình như:

– Đau nhức, mỏi vùng vai, cổ, mức độ đau tăng lên khi ngồi lâu, đi lại, vận động cột sống cổ.

– Đau khi thời tiết thay đổi.

– Cơn đau lan xuống cánh tay, cẳng tay và ngón tay, khiến người bệnh khó cử động cánh tay, cầm nắm,…

– Trường hợp đau vai gáy nghiêm trọng, người bệnh chỉ cần đi lại, cử động nhẹ nhàng cũng sẽ có cảm giác đau nhức rất khó chịu.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng đau vai gáy có thể dẫn tới nhiều biến chứng phức tạp như:

– Teo cơ, yếu cơ cánh tay.

– Chèn ép tủy sống cổ gây đau nhức dữ dội.

– Rối loạn tiền đình, thiếu máu não, gây đau đầu, mất ngủ, thiếu tập trung.

– Suy giảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống…

Để chẩn đoán chính xác tình trạng, mức độ và nguyên nhân gây đau vai gáy, bác sĩ thường sử dụng các phương pháp sau:

– Khám lâm sàng: Hỏi về triệu chứng, tiểu sử bệnh lý, tình trạng sức khỏe…

– Khám cận lâm sàng: Chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI, chụp tủy sống…

Các biện pháp hỗ trợ điều trị đau vai gáy tại nhà đơn giản, dễ thực hiện
Khi bị đau vùng vai cổ, người bệnh có thể tham khảo, áp dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà đơn giản, dễ thực hiện sau đây:

Áp dụng các mẹo dân gian hỗ trợ giảm đau cổ vai váy
Nếu bị đau vai gáy mức độ nhẹ, người bệnh có thể tham khảo các mẹo dân gian hỗ trợ giảm đau tại nhà đơn giản, dễ thực hiện sau đây:

– Sử dụng lá lốt: Dùng 300gr lá lốt tươi, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng bị đau. Hoặc bạn có thể cho lá lốt vào sao nóng cùng muối rồi chườm.

– Sử dụng ngải cứu: Lá ngải cứu đem rửa sạch, rang nóng cùng với muối rồi đắp lên vùng đau nhức khoảng 15 phút mỗi ngày.

Tập luyện yoga, thể dục hỗ trợ giảm đau vai gáy
Những bài tập yoga, thể dục giúp thư giãn gân cơ, hỗ trợ giảm đau hiệu quả. Người bị đau mỏi cổ vai gáy có thể tham khảo, tập luyện những bài tập sau:

– Tư thế em bé

– Tư thế vặn mình

– Tư thế con mèo

– Tư thế nhân sư

– Tư thế co duỗi 2 vai

– Tư thế xoay vai

– Tư thế mặt bò

– Căng duỗi phần cơ cổ

Điều trị đau vai gáy bằng phương pháp Tây y
Sau khi thăm khám, chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng, tùy thuộc vào mức độ và triệu chứng gặp phải, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh các biện pháp trị liệu phù hợp nhất.

– Ở mức độ nhẹ, cấp tính, người bệnh thường được kê đơn gồm các loại thuốc kháng viêm, giảm đau như: Ibuprofen, Naproxen, Aspirin, paracetamol, thuốc bôi Blue-Emu Lidocaine,…

– Nếu người bệnh mắc chứng đau vai gáy nặng, các rễ thần kinh bị chèn ép, người bệnh có thể được chỉ định mổ, phẫu thuật,…

Điều trị bằng Đông y
Đây là phương pháp khắc phục tình trạng đau vai gáy an toàn, hiệu quả nhờ sử dụng các bài thuốc từ thảo dược tự nhiên lành tính, không gây tác dụng phụ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể kết hợp áp dụng các kỹ thuật vật lý trị liệu như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, tác động cột sống…

                                                                                      PV- Sức khỏe đời sống